4 nguyên tắc đặt tên: dễ phát âm, ngắn gọn; không bị tự hạn chế; và có cân nhắc giữa tiếng Tây hay tiếng Ta. 4 cách đặt tên: dùng từ có nghĩa, dùng từ vô nghĩa, ghép từ; và dùng tên người hoặc địa danh.
- Nguyên tắc đặt tên: Có 4 nguyên tắc
- Một: là tên doanh nghiệp của bạn phải dễ phát âm. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, giả sử cái tên đó khó nhớ quá, hôm nào đó có một “bố cháu” làm việc với công ty của bạn, thấy rất ngon nghẻ, về giới thiệu với “mẹ đốp”.
A: “Hôm nay anh làm ăn với một công ty mới dễ chịu ghê”.
B: “Công ty gì hả anh?
A: “Cái gì mà loằng ngoằng lắm…Không nhớ được. Hôm nào rỗi đi ngang anh chỉ cho”
=> Vậy là bạn mất đứt một khách hàng tiềm năng rồi. Bạn cứ nghĩ đến những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới mà xem: Casio, Sony, Konika, Kodak, Philips…không có cái tên nào “thất điên bát đảo” cả.
- Hai: là cái tên phải ngắn gọn. Đơn giản thôi. Ai cũng thế, ngắn thì nhớ, dài thì bỏ. Hầu hết các hãng tên tuổi đều chỉ có 2 hoặc cùng lắm là 3 âm tiết: Nike, Adidas, Reebok…Bạn của tớ mà đặt tên doanh nghiệp là “Công ty TNHH Tràng Giang Đại Hải” là tớ không phục đâu.
- Ba: là đừng để cái tên hạn chế phạm vi bành trướng của mình. Ví dụ “Công ty dịch vụ Cao Bằng” sau một thời gian làm ăn ở tỉnh muốn tiến vào Sài Gòn bình định thiên hạ kể ra cũng khó nhỉ. Ấy là tự cái tên cản trở bước tiến của bạn, là “chưa ra đến chợ đã hết tiền” đó.
- Bốn: là cân nhắc tên tiếng Tây hay tiếng Việt. Theo chỗ tớ được biết, thì theo Luật Việt Nam hiện nay tên doanh nghiệp phải thuần Việt (Viết được bằng các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Việt). Còn tên sản phẩm có thể Tây hoá được. Hơn nữa, nếu tên tiếng Việt thì dễ đi vào lòng người, nhưng ra biển lớn thì hơi khó. Đặc điểm của tiếng Việt nó kỳ quái thế.
- Các cách đặt tên: Hiện nay có 4 cách đặt tên phổ biến nhất
- Cách một: là dùng một từ có nghĩa. Cách này được rất nhiều chuyên gia đồng ý vì có thể ngay lập tức mang lại thông tin cô đọng nhất cho khách hàng. Tiêu biểu ở Việt Nam có một số doanh nghiệp chọn được tên rất đẹp là: Nội thất Nhà Đẹp; Bánh mì Ta; Bánh mì Góc Phố; Công ty thời trang Nguyên Tâm (nghĩa là bằng tất cả trái tim – Tên sản phẩm của công ty này là FOCI, là từ tiếng Anh khá sát nghĩa, và có lẽ nổi tiếng hơn nhiều) v.v…Nhưng nhớ đừng dùng những từ quá chung chung và quá phổ biến như Toàn Thắng, Đại Phát, Lợi Nhuận, Lừa Đảo … nhé. Vì tuy nó có nghĩa đấy nhưng không mang lại thông tin gì cho khách hàng cả.
- Cách hai: là dùng một từ vô nghĩa. Cách này phương Tây rất chuộng. Bạn nhìn lại một số ví dụ tên Tây ở trên xem có cái tên nào có nghĩa không. Việc đặt tên vô nghĩa tuy không mang lại thông tin nhưng về lâu dài có thể tạo ra được cả một định nghĩa mới, tạo dấu ấn không thể quên trong tâm trí khách hàng. Ví dụ nhé: Kinh Đô bây giờ không còn nghĩa capital nữa mà có nghĩa là Bánh ngọt; Trung Nguyên không phải là the central land mà là cà phê v.v… Phải chiến đấu lâu lắm mới có được một định nghĩa như thế bạn ạh.
- Cách thứ 3: là ghép từ, thông thường cách này cũng sẽ tạo ra một từ vô nghĩa cho nên hiệu quả khá giống với cách 2. Miễn sao cái tên này cũng ngắn, dễ đọc là được. Tiêu biểu là kem Kido’s (viết tắt chữ Kinh Đô), giầy Biti’s (viết tắt chữ Bình Tiên), viện mẫu thời trang FADIN (Fashion Design Institute).
- Cách thứ 4 là dùng tên người hoặc tên địa danh.
Việc dùng tên người: là “vạn bất đắc dĩ’, sẽ chỉ hợp lý nếu người đại diện doanh nghiệp đã là một người nổi tiếng. Hơn nữa cũng chỉ nên dùng trong những lãnh vực mà quan hệ danh tiếng cá nhân là quan trọng. Một ví dụ là các công ty tư vấn Luật như Luật Gia Phạm; Luật sư Quang và đồng sự v.v…
Dùng tên địa danh đối với các sản vật nổi tiếng là tốt. Như rượu cần Hoà Bình; Phở Nam Định v.v…Tuy nhiên, cần để ý vấn đề bản quyền, không thì bị kiện vỡ mật đấy.
Kết thúc: Xin nhắc lại, có 4 nguyên tắc đặt tên: dễ phát âm, ngắn gọn; không bị tự hạn chế; và có cân nhắc giữa tiếng Tây hay tiếng Ta.
Đồng thời, có 4 cách đặt tên: dùng từ có nghĩa, dùng từ vô nghĩa, ghép từ; và dùng tên người hoặc địa danh.