Slogan được hiểu là khẩu hiệu thương mại của một công ty. Để có được một slogan hay, ngoài việc đầu tư về chất xám còn phải có sự đầu tư về quảng cáo liên tục với những chiến lược dài hạn.
Một slogan hay phải hội tụ các yếu tố sau:
- Có một mục tiêu nhất định và hướng đến mục tiêu đó:
Ví như khi Pepsi ra đời thì Coca Cola đã là một người khổng lồ trong ngành giải khát, nên họ lấy slogan là: “Generation Next” (Thế hệ tiếp nối), ý nói đó là một loại nước uống của thế hệ mới và ngầm ý chê bai đối thủ trực tiếp Coca Cola là loại đồ uống cổ lỗ sĩ. Với slogan hay mang trong mình mục tiêu rõ ràng là đánh vào khách hàng trẻ tuổi, Pepsi đã thu hút được phần đông giới trẻ và vươn vai trở thành một đối thủ đáng gờm của Coca Cola.
- Ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc:
Với nhiệm vụ phải đi vào tiềm thức của khách hàng, không ai đi xây dựng một slogan dài dằng dặc đầy đủ toàn bộ về tính năng, tác dụng, ưu việt của sản phẩm. Cà phê Trung Nguyên đã phải bỏ slogan cũ: “Mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” bằng “Khơi nguồn sáng tạo”.
- Không phản cảm:
Slogan phải tuyệt đối tránh những từ ngữ có thể gây phản cảm hoặc xúc phạm đến người khác cho dù đó là một bộ phận khách hàng rất nhỏ. Nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh DHL đã từng mắc lỗi này khi tung ra một slogan gây một ấn tượng không tốt: “Đến chậm gặm xương”.
- Nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm:
Slogan phải thể hiện được tính năng và lợi ích khi khách hàng sử dụng sản phẩm. Ví như: “Connecting People” (Kết nối mọi người) của hãng điện thoại di động Nokia hay “Luôn luôn lắng nghe. Luôn luôn thấu hiểu” của hãng bảo hiểm quốc tế Prudential.
Tuy nhiên đó chỉ là những điều kiện cơ bản. Một slogan thành công phải mang trong mình thông điệp ấn tượng và khơi gợi được trí tưởng tượng của khách hàng về sản phẩm của mình. Chẳng hạn, đồ thể thao của tập đoàn Nike được đánh giá là thành công với “Just Do It!” (Hãy làm điều đó!).